Nhận định David Friedrich Strauß

Tấm bảng khắc tên và chân dung của David Friedrich Strauß tại nơi sinh của ông.

J. F. Smith chê Strauß là chỉ có tư duy phân tích và phê phán thuần túy nhưng không có chiều sâu về tình cảm tôn giáo và sự thấu suốt về triết học hay sự cảm thông về lịch sử, vì vậy Smith chê các tác phẩm của Strauß ít có tính xây dựng. Smith cho rằng trường hợp của Strauß đã miêu tả một cách ấn tượng về một nguyên lý của Goethe, rằng đồng cảm là yếu tố cần thiết để có bài phản biện mang tính xây dựng. Smith cũng cho rằng tác phẩm "Cuộc đời của Giêsu" của Strauß chống lại cả quan điểm "chính thống" về Phúc âm và cả những cách nhìn duy lý về nó. Smith cũng chê là Strauß quá khắc nghiệt khi phê phán nội dung Phúc âm, rằng lập luận của Strauß dựa trên những thiếu sót nghiêm trông, tích cực lẫn tiêu cực, rằng Strauß nhìn quá hẹp hòi về các mầu nhiệm trong Phúc âm và không có cách nhìn đúng đắn về bản chất của truyền thống lịch sử. Smith tiếp tục viện dẫn F. C. Baur từng phàn nàn rằng Strauß chỉ trích các nội dung trong phúc âm không dựa trên sự kiểm tra toàn diện về các bản thảo, và tin rằng nếu sử dụng tư duy triết lý sâu sắc và quảng đại hơn, sở hữu các bản thảo chính xác và đầy đủ hơn của các Phúc âm, thì lý thuyết của Strauß dùng cho việc phê phán Kinh Thánh sẽ không thực hiện được.[6]

Một số người khác có cái nhìn khác hơn. Trong cuốn "Cuộc điều tra về con người lịch sử Giêsu" (The Quest of the Historical Jesus) (1906; 1910), Albert Schweitzer cho rằng Strauß đã giáng một đòn chí tử vào những lập luận về Thánh kinh trước đó, vốn được cho là có sức sống nhưng thực chất không phải là như vậy. Schweitzer cũng phân chia lịch sử nghiên cứu về con người Giêsu thành hai giai đoạn, và cột mốc phân định hai giai đoạn đó chính là David Strauß. Còn D.M. Murdock cho rằng, lịch sử của quá trình nghiên cứu những huyền thoại trong Kinh Thánh có thể được cô đọng trong tác phẩm "Cuộc đời của Giêsu" của Strauß[7]. Daniel S. Dapaah nhận định, Strauß đã mang lại "một luồng gió mới" cho mảng nghiên cứu con người lịch sử của Giêsu.[3]

Peter C. Hodgson và James C. Livingston nhận xét, Strauß là người đầu tiên đưa ra câu hỏi về con người lịch sử của Giêsu với một quan điểm cấp tiến, cũng như khai mở ra khả năng tách biệt con người lịch sử Giêsu ra khỏi ảnh hưởng của đức tin Kitô. Trước Strauß, người ta coi các Phúc âm có thể là các tài liệu lịch sử đáng tin cậy được và tin rằng có thể dễ dàng nhận diện con người lịch sử của Giêsu trong những văn bản cổ, nhưng trong cuốn "Cuộc đời của Giêsu" thì Strauß đã phá đổ quan điểm trên. Ông chỉ ra rằng truyền thống Kitô về cơ bản mang tính tôn giáo-thần thoại và xây dựng trên sự tưởng tượng, thi vị hóa, và có quá ít bằng chứng để có thể xây dựng nên một hình ảnh Giêsu chân thật trong lịch sử làm căn bản cho niềm tin Kitô. Và việc đưa ra một câu hỏi về nguồn gốc lịch sử của Giêsu đã xác lập vị trí quan trọng của Strauß trong lĩnh vực thần học.[8]

Marcus Borg cho rằng những lập luận của Strauß cùng phương pháp mà Strauß vận dụng triết học Hegel, định nghĩa của ông về huyền thoại không có sức ảnh hưởng quá lâu dài, nhưng những thông tin cơ bản mà Strauß công bố - ví dụ như nhiều nội dung Phúc âm thực chất chỉ là huyền thoại và huyền thoại thì không hoàn toàn đồng nghĩa với giả tạo - đã trở thành một phần nội dung của trào lưu chính thống hiện nay. Nói cách khác, những gì Strauß công bố trước đây thì gây nhiều tranh cãi, nhưng nay đã trở thành những công cụ tiêu chuẩn trong việc nghiên cứu Thánh kinh.[9]

Người ta cho rằng danh tiếng của Strauß một phần đến từ phong cách trình bày các luận cứ rất rõ ràng, minh bạch và đầy cuốn hút của ông.[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: David Friedrich Strauß http://global.britannica.com/EBchecked/topic/56850... http://www.earlychristianwritings.com/strauss/ http://books.google.com/books?id=KT2eWHXmjWEC http://books.google.com/books?id=RmdLqnfw1OgC http://www.siglerpress.com/Strauss.htm http://www.stellarhousepublishing.com/mythicism.ht... http://people.bu.edu/wwildman/bce/strauss.htm http://digitalcommons.unl.edu/etas/7/ http://archive.org/details/davidfriedrichs00zieggo... http://www.chora-strangers.org/article/mcgaughey19...